23/06/2016

Tiếng trống dân oan Quảng Văn Đình, tiếng trống Tổng Bí thư ở Ba Đình


Xuân Dương
Muốn Dân tin Đảng thì Đảng phải tin Dân, Đảng phải ở “trong dân” chứ không phải là “gần dân” bởi “gần dân” nghĩa là vẫn có khoảng cách, vẫn ở trên dân. Tranh minh họa từ nld.com.vn

(GDVN) - Ngày xưa, Dân đánh trống, Quan giải quyết, đó là phép nước, đó là đạo trị quốc.

Bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn  Trần Văn Thủy có nhắc đến câu chuyện chiếc trống Đăng Văn trong đình Quảng Văn.

Đình Quảng Văn được vua Lê Thánh Tông cho xây dựng vào tháng 10 năm Tân Hợi (1491) ở cửa Đại Hưng (cửa Nam thành Thăng Long).

Trong đình có treo một cái trống lớn để cho người dân khi kêu oan thì đánh một hồi trống, một vị quan sẽ ra nhận đơn thỉnh cầu của người dân. 



Quảng Văn đình cũng là nơi quan Câu Kê, đại diện cho triều đình, đến giảng pháp lệnh, những điều khuyên răn của Vua để cho dân chúng nghe và làm theo.

Lời thoại trong phim có đoạn:

 “Có sử quan bình rằng giá vào thời Hậu Trần hoặc Lê Mạt mà đặt trống ở đây thì dân chúng trong vùng sẽ bị đinh tai nhức óc”.

 Nhắc đến bộ phim này vì vừa qua, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội có ý kiến:

Tôi cũng mừng và cũng mong như vậy! Tổng Bí thư đã đánh trống rồi, xin hãy đánh tiếp, liên tục, liên tục”.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Hoài Thu được đăng trong bài “Tổng Bí thư đã đánh trống, xin hãy đánh liên hồi…” [1].

Ngày xưa, Dân đánh trống, Quan giải quyết, đó là phép nước, đó là
đạo trị quốc. Còn ngày nay thì sao?

Tổng Bí thư đã đánh trống vậy thì “Quan” nào sẽ giải quyết khi mà “lợi ích nhóm đã vượt ra ngoài khuôn khổ nhóm người, không chỉ ăn lén ăn lút mà còn ngang nhiên lũng đoạn cả bộ máy, lũng đoạn các quy trình đúng đắn của Đảng và Nhà nước” – như lời bà Nguyễn Thị Hoài Thu trong bài báo đã dẫn.

Rõ ràng không thể để lực lượng đang “
ngang nhiên lũng đoạn cả bộ máy, các quy trình đúng đắn của Đảng và Nhà nước
” tham gia giải quyết.

Lực lượng duy nhất đủ sức mạnh, đủ quyết tâm cùng
Tổng Bí thư liên tục đánh trống chỉ có thể là Nhân Dân.

Nếu được như vậy thì đúng là phúc lớn của dân tộc.

Chỉ có điều Dân giải quyết thế nào khi mà cơ quan quyền lực cao nhất của Dân là Quốc hội lại chưa hẳn đã bao gồm những tinh hoa đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân.

Phải chăng “các quy trình đúng đắn của Đảng và Nhà nước” trong đó có chuyện Hiệp thương đề cử người ứng cử Đại biểu Quốc hội vừa qua cũng có biểu hiện bị “ngang nhiên lũng đoạn”?

Nếu không thì tại sao người được cư dân địa phương và cơ quan công tác tín nhiệm rất cao thì bị loại ngay từ vòng ngoài, còn người trúng cử với tỷ lệ khá cao lại đang bị đích thân 
Tổng Bí thư đề nghị xem xét? 

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hai vị đứng đầu Đảng và Chính phủ đều sử dụng từ “trong sạch” khi nói về
đội ngũ cán bộ.

Phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cán bộ phải trong sạch, không được nhũng nhiễu, xa dân”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì quyết tâm “xây dựng một Chính phủ liêm chính, trong sạch…”.

Một vị lãnh đạo vô tư thổ lộ “
hai con của ông đi du học nước ngoài không về nước”, còn bà Hoài Thu thì đặt câu hỏi:

Ai có tiền để đi học ở Mỹ ở Anh? Có con liệt sĩ đi học không? Có con nông dân đi học không? Có con công nhân đi học không”? [1]

Nếu biết rằng du học ở Úc, bậc phổ thông tốn từ 8.000 đến 14.000 AUD (đô la Úc) một năm, bậc đại học khiêm tốn nhất cũng khoảng 25.000 AUD, trung bình khoảng 30.000- 35.000 AUD.

Du học Anh, Mỹ thì khoảng 30.000 đến 45.000 USD.

Con lãnh đạo đương chức đi học nước ngoài không về vì “
cơ chế thu hút nhân tài” kém hấp dẫn?

Thấp thoáng phía sau sự “bộc bạch” này là một sự thực, rằng họ không đi học bằng tiền nhà nước, bởi nếu ngân sách cấp mà không về thì rồi có ngày sẽ bị kiện ra tòa như Chính quyền Đà Nẵng từng làm?

Còn nếu đó là tiền túi của “phụ mẫu” cho con du học thì sự “không về” có phải là hơi “kém nghĩ” bởi ở trong nước kiếm tiền dễ thế sao lại phải lang thang ở xứ người?

Bên cạnh yếu tố con người, chính “cơ chế”, chứ không phải ai khác đang tạo nên một tầng lớp đặc quyền, đặc lợi, đang dung túng cho đội ngũ khá đông những kẻ có chức, có quyền lũng đoạn đất nước, lũng đoạn chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Từ chủ trương của Đảng, Quốc hội ban hành nghị quyết phải có từ 5-10% Đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng, thực tế chỉ đạt 4,2%, liệu đó có phải vì hơn 85 triệu người ngoài Đảng không có ai đủ tâm, đủ tầm, có phải là lỗi của cử tri không bầu cho những người ngoài Đảng?

Rõ ràng yêu cầu “trong sạch” hiện nay đang được đặt lên hàng đầu cả về phía Đảng lẫn Chính phủ.

Thực ra, lãnh đạo cơ quan công quyền, đoàn thể quần chúng tất cả các cấp đều là đảng viên, vậy nên chỉ cần làm trong sạch Đảng thì tự nhiên Chính phủ sẽ trong sạch.

Những người từng là lãnh đạo Tỉnh ủy bị kỷ luật, hoặc bị nhắc nhở, phải tự phê bình, kiểm điểm không  thể nói là ít, ví dụ như ở Cà Mau (ông Võ Thanh Bình), Hải Dương (ông Bùi Thanh Quyến), Bình Phước (ông Trương Tấn Thiệu), Đắc Lăk (ông Lũ Ngọc Cư), Ninh Bình (ông Đinh Văn Hùng), Thừa Thiên-Huế (ông Hồ Xuân Mãn), Lạng Sơn (ông Trần Ngát, ông Đoàn Bá Nhiên)…

Hình thức kỷ luật thường là khiển trách, rút kinh nghiệm, cùng lắm là cảnh cáo, cách chức, không thấy có trường hợp nào bị truy tố trước pháp luật?

Liệu có phải vi phạm của các đối tượng này chưa đến mức xử lý hình sự hay còn vì lý do nào khác mà Dân không được biết?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI  kỳ họp thứ 16 kết luận về ông Trương Tấn Thiệu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bí thư Ban cán sự Đảng; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước “
vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; làm trái các quy định của pháp luật trong việc giao đất đối với một số các dự án, thay đổi chủ đầu tư, phương thức đầu tư, cùng một số sai phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỷ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân
”.

Hình thức xử lý kỷ luật mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra là “
cảnh cáo đối với ông Trương Tấn Thiệu, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật cảnh cáo về chính quyền và cho thôi chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước
”. [2]

Một cán bộ “
gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỷ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân
” chỉ bị cảnh cáo và thôi chức!

Vậy “
nhiều tỷ đồng ngân sách bị thất thu"
có phải chỉ thuộc “ngân sách” hay còn thuộc về Nhân Dân và nếu một người dân làm ngân sách mất nhiều tỷ đồng liệu có chỉ bị cảnh cáo?

Một lãnh đạo cấp tỉnh, khi còn đương chức đã sở hữu gần trăm héc ta cao su, hàng loạt bài báo nêu câu hỏi về chuyện đóng thuế của người này, giờ an toàn hạ cánh, tại sao vậy?

Trên đất nước mình, bao nhiêu nông dân, doanh nhân có được gần trăm ha cao su như vị nguyên quan đầu tỉnh nọ?

Việc xử lý nương nhẹ cán bộ, đảng viên vi phạm không phải và không thể là cách để bảo vệ uy tín của Đảng.

Nói một cách thẳng thắn, đó chính là liều vắcxin giúp cho những người đã hoặc sẽ vi phạm miễn nhiễm với pháp luật.

Một khi đã được “miễn dịch” thì người ta sẽ nhờn với các loại “kiểm tra, thanh tra, kỷ luật” bất kể ở cấp nào.

Vai trò chỉ đạo, sự gương mẫu của lãnh đạo trong cuộc chiến chống tham nhũng là vô cùng quan trọng, nhưng một mình Tổng Bí thư không thể “đánh tiếp, liên tục, liên tục” như mong mỏi của bà Nguyễn Thị Hoài Thu.

Dàn trống trận không bao giờ chỉ gồm một trống cái mà còn nhiều trống con, Tổng Bí thư cầm trịch trống cái, các “trống con” ở đây chính là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát. 

Phán quyết cuối cùng phải là quyền của Nhân Dân.

Cần mạnh dạn thành lập một tổ chức gồm người cao tuổi, cựu chiến binh, các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng…

Tổ chức quần chúng này vừa làm nhiệm vụ phát hiện tham nhũng, vừa giám sát cách thức xử lý của chính quyền.

Đề xuất như vậy không có nghĩa là hạ thấp vai trò của Công an, Kiểm sát, Tòa án nhưng thực tế cho thấy một khi đối với Đảng mà Dân còn suy giảm niềm tin thì với các cơ quan bảo vệ pháp luật sự suy giảm này, có lẽ còn sâu sắc hơn nhiều.

Điều thứ hai là chấm dứt “quy hoạch cán bộ”, đây chính là nguồn cơn của sự chạy chức, chạy quyền, của chuyện “con ông cháu cha”...

Chấm dứt “quy hoạch cán bộ” nghĩa là chấm dứt cái gọi là “
quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng, luân chuyển…
” bởi từ xưa đến nay chưa có trường hợp nào “sai quy trình” kể cả trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn ở Quảng Nam mà báo chí rầm rộ thông tin.

Tất cả các chức danh công chức đều phải thi tuyển công khai, và tuyệt đối không để lãnh đạo cao nhất cấp tỉnh (Bí thư, Chủ tịch) là người địa phương, điều này ngay từ thời phong kiến đã có các quy định chặt chẽ mà chúng ta cần học tập.

Điều thứ ba là ngay từ bây giờ, cần tổng rà soát tài sản cán bộ, không chỉ bố mẹ - vợ chồng - con cái mà cả những người liên quan.

Câu chuyện người lái xe cho nguyên Phó Chủ tịch UBND Hậu Giang “mượn” chiếc xe trị giá trên 5 tỷ chẳng phải là minh chứng cho cách tẩu tán tài sản đó sao?

Tiếp theo là cần công khai cho nhân dân biết các bản kê khai tài sản cán bộ. Khai rồi “cất ngăn kéo” vừa tốn công, tốn tiền vừa gây hoài nghi trong xã hội.

Không công khai cho dân biết không có nghĩa là dân không biết.

Vậy tại sao phải “cất ngăn kéo”?

Muốn Dân tin Đảng thì Đảng phải tin Dân, Đảng phải ở “trong dân” chứ không phải là “gần dân” bởi “gần dân” nghĩa là vẫn có khoảng cách, vẫn ở trên dân.

Gần Dân chưa đủ để Dân tin Đảng, chỉ khi nào không còn sự ngăn cách giữa Dân và Đảng, Đảng trong lòng Dân, Dân bảo vệ Đảng, đấy mới là điều cần thiết lúc này.

Tài liệu tham khảo:



Xuân Dương 

Nguồn: Theo GDVN

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire